1. Các điều kiện tự nhiên
a. Vị trí địa lý
Xã Ân Hảo Đông là xã nằm ở phía Bắc của huyện Hoài Ân, nằm cách trung tâm huyện lỵ Hoài Ân là thị trấn Tăng Bạt Hổ khoảng 17,4km về phía Bắc. Về hành chính xã có 07 thôn gồm: thôn Bình Hoà Bắc, thôn Bình Hoà Nam, thôn Cẩm Đức, thôn Vạn Hoà, thôn Hội Long, thôn Hội Trung, thôn Phước Bình, dân số năm 2023 có 6.012 người, mật độ dân số 162,62 người/km2 với 2.258 hộ.
- Ranh giới theo địa giới hành chính:
+ Phía Bắc giáp: huyện An Lão và thị xã Hoài Nhơn.
+ Phía Nam giáp: xã Ân Tín và xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân.
+ Phía Đông giáp: xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân và thị xã Hoài Nhơn.
+ Phía Tây giáp: xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân và huyện An Lão.
Quy mô diện tích: Có tổng diện tích tự nhiên 3.694,6 ha (Theo Niên giám thống kê năm 2021 huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định).
b. Địa hình
Địa hình, địa mạo xã Ân Hảo Đông có đặc trưng của vùng miền núi. Xã Ân Hảo Đông trải dài từ Bắc xuống Nam nằm dọc theo Sông An Lão, đặc điểm địa hình phía Đông Nam là đồi núi, vùng đồng bằng phân bố chủ yếu dọc theo sông An Lão, địa hình dốc thoải dần từ Đông Bắc sang Tây Nam. Nhìn chung địa hình toàn xã thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp.
Căn cứ vào bản đồ địa chính sơ bộ đánh giá địa hình của xã Ân Hảo Đông nằm trên vùng địa hình có 2 dạng cơ bản:
- Phía Đông Bắc là các đồi núi thấp, phù hợp với việc trồng lâu năm và cây công, lâm nghiệp.
- Phía Tây Nam là khu vực thung lũng, có địa hình tương đối bằng phẳng phù hợp với việc trồng lúa và các cây công nghiệp ngắn ngày, hệ thống ao, hồ, kênh mương tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
- Về tổng thể, địa hình tương đối thuận lợi cho việc thoát nước mặt, tạo cảnh quan sinh thái đặc trưng vùng trung du miền núi.
2. Khí hậu, thủy văn
a. Khí hậu
Huyện Hoài Ân nói chung và xã Ân Hảo Đông nói riêng có khí hậu gần giống như khí hậu chung của tỉnh Bình Định. Do ở về phía cực Bắc của tỉnh, nên Hoài Ân có một số đặc trưng khác so với vùng phía Nam Bình Định, trong năm thường có 2 mùa rõ rệt: Mùa hạ (Từ tháng 1 – 8) và mùa đông (Từ tháng 9 – 12).
- Mùa hạ: Từ tháng 1 - 8, bình quân số giờ nắng 8,5 giờ/ngày, nhiệt độ 26,90C, lượng mưa 120 mm/tháng, độ ẩm 79%;
- Mùa đông: Từ tháng 9 - 12, bình quân số giờ nắng 4,5 giờ/ngày, nhiệt độ 25,60C, lượng mưa 517 mm/tháng, độ ẩm cao 86%. Đặc biệt mùa này có gió mùa Đông Bắc và bão có tốc độ gió mạnh, xoáy, kéo theo mưa lớn, gây nên lũ lụt.
b. Chế độ gió, bão
Hướng gió mùa Đông là hướng gió Đông Bắc. Mùa Hạ là hướng Tây hoặc Tây Nam (gió Lào) khô nóng.
- Vận tốc gió trung bình tháng và năm 2,1m/s.
- Vận tốc gió mạnh nhất năm 25m/s.
c. Nhiệt độ, độ ẩm
Nền nhiệt độ cao, ánh sáng dồi dào, chênh lệch ngày đêm không lớn.
- Nhiệt độ không khí trung bình năm: 26,4°C;
- Nhiệt độ không khí tối cao trung bình năm: 30,6°C;
- Nhiệt độ không khí trung bình năm thấp nhất: 23,6°C;
- Nhiệt độ không khí tối cao tuyệt đối năm là: 40,0°C;
- Nhiệt độ không khí tối thấp tuyệt đối năm: 15,2°C Độ ẩm không khí: tuyệt đối trung bình năm 27,6 (mb);
- Độ ẩm tương đối trung bình năm 81 (mb);
- Độ ẩm tương đối thấp tuyệt đối năm 32(mb).
d. Chế độ mưa
Lượng mưa trung bình năm 2.441 mm, cao hơn mức trung bình của toàn tỉnh (1.900mm). Số ngày mưa trung bình năm (trạm): 123mm.
Mùa mưa tập trung trong 4 tháng, chiếm khoảng 75% tổng lượng mưa cả năm, trùng với mùa bão nên thường gây lũ lụt. Chế độ mưa phân bố không đều, tập trung theo mùa, chủ yếu vào 4 tháng mùa mưa (tháng 8, 9, 10 và 11), chiếm 75% tổng lượng mưa.
e. Chế độ nắng
Xã Ân Hảo Đông nằm trong khu vực nắng nóng, số giờ nắng trong năm khoảng 2.556,8 giờ:
- Tháng 10 và tháng 4 thường có nhiều ngày không nắng nhất trong năm;
- Số ngày không nắng ít nhất trung bình năm 26 ngày;
- Tổng số ngày không nắng trung bình năm từ 20-30 ngày.
f. Chế độ thủy văn
Hệ thống sông ngòi của xã Ân Hảo Đông gồm có sông An Lão, hồ Hội Long, và hệ thống sông suối nhỏ chảy qua, ngoài ra xã còn có có hệ thống kênh mương cung cấp nước cho một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Hệ thống khe, suối phân bố không đồng đều giữa các vùng trong xã. Do hệ thống sông ngắn, có độ dốc cao, lưu tốc dòng chảy lớn, chênh lệch giữa lưu lượng lũ và lưu lượng kiệt rất lớn nên mùa mưa thường gây lũ lụt, sa bồi, thuỷ phá nghiêm trọng, mùa khô thì thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
3. Tài nguyên thiên nhiên
a. Tài nguyên đất
- Đất đai xã Ân Hảo Đông có 2 loại đất chính: đất phù sa chua và đất xám feralit; được hình thành trên 2 loại đá mẹ chủ yếu là đá Granit, Gơnai; và một số diện tích đất phù sa, đất dốc tụ.
- Với những loại đất trên và cùng với khí hậu xã Ân Hảo Đông rất thích hợp cho việc trồng lúa nước, những loại hoa màu ngắn ngày như: ngô lai, đậu đổ các loại; những loại cây lâu năm như cam, chanh, bưởi ...
b. Tài nguyên rừng
Diện tích đất lâm nghiệp năm 2021 của xã là 2.683,59 ha chiếm 72,63 % tổng diện tích đất tự nhiên của xã. Trong đó, đất rừng sản xuất chiếm 83,55% và đất rừng phòng hộ chiếm 16,45%.
c. Tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn xã Ân Hảo Đông không nhiều, chủ yếu là khai thác cát vàng, sạn xây dựng trên Sông An Lão. Bên cạnh đó còn có các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường.
d. Tài nguyên nước
Hệ thống sông ngòi của xã Ân Hảo Đông gồm sông An Lão, hồ Hội Long, và hệ thống sông suối nhỏ với diện tích 172,49ha. Hệ thống khe, suối phân bố không đồng đều giữa các vùng trong xã. Tuy nhiên, hệ thống sông ngắn, có độ dốc cao, lưu tốc dòng chảy lớn, chênh lệch giữa lưu lượng lũ và lưu lượng kiệt rất lớn nên mùa mưa thường gây lũ lụt, sa bồi, thủy phá nghiêm trọng, mùa khô thì thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân.
e. Tài nguyên cảnh quan phục vụ cho phát triển du lịch, nhân văn
Trên địa bàn xã có thác Đá Vàng thuộc thôn Bình Hoà Nam, chưa được đầu tư khai thác du lịch.
Đánh giá chung: Hiện nay việc đầu tư phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ, thương mại du lịch gắn với danh lam, thắng cảnh du lịch còn nhỏ lẻ, tự phát chưa có định hướng lâu dài, chưa được quy hoạch và kêu gọi đầu tư quy mô tương xứng với tiềm năng cảnh quan trên địa bàn xã.
Ân Hảo Đông là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Người Ân Hảo Đông cần cù trong lao động sản xuất phát triển kinh tế, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, sáng tạo và thông minh trong xây dựng quê hương đất nước.
Nhân dân trong xã luôn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, vượt qua khó khăn thử thách trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nếp sống văn hoá ngày càng được củng cố, các sinh hoạt, phong tục tập quán lành mạnh vẫn được nhân dân bảo tồn và phát triển.
Ngày nay kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông, Đảng bộ và nhân dân trong xã đang cùng góp sức phấn đấu đưa cuộc sống ngày một cải thiện hơn, khai thác những tiềm năng và thế mạnh của xã, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh.